Bài viết hướng dẫn làm đồ án Công Nghệ Chế Tạo Máy
Với sinh viên học kỹ thuật chuyên ngành cơ khí thì việc làm đồ án CNCTM (Công Nghệ Chế Tạo Máy ) là một trong những học phần quan trọng. Qua đồ án Công Nghệ Chế Tạo Máy này sẽ cung cấp, tổng hợp lại những kiến thức vừa học, đã học cho bản thân sinh viên làm hành trang chuẩn bị bước vào môi trừơng làm việc thực tiễn.
Sau một thời gian dài tôi nhận thấy hầu như sinh viên khi nhận đề bài đều rất lúng túng không biết mình phải làm gì, bắt đầu từ đâu và như thế nào…. Hôm nay tôi xin đưa ra một số gợi ý để rộng đường cho các bạn sinh viên tham khảo dù rằng vấn đề nầy đã rất nhiều bậc tiền bối chuyên ngành đã viết. Qua bài viết nhỏ này có gì chưa hợp lý, mong mọi người góp ý để rộng đường tham khảo nhiều hơn và hữu ích hơn cho các em sinh viên tiện bề học hỏi ! Những mục nầy được sắp xếp theo đúng thứ tự khi làm đồ án, có một số bước được lược bỏ vì đó là những vấn đề chung mỗi SV đều tự tính toán được, không cần bàn thêm làm gì.
1 . Phân tích đề bài:
Sau khi nhận đề bài từ giáo viên ( GV ) thì sinh viên ( SV ) phải phân tích được cấu tạo chi tiết, qua phân tích như thế thì chúng ta mới hiểu được nguyên lý làm việc của chi tiết, từ đó ta mới lập được qui trình công nghệ ( QTCN ) một cách hợp lý và chính xác.
Nếu như chúng ta phân tích được nhưng không biết chi tiết nầy nằm ở đâu trong một hệ thống máy ( hay thiết bị ) thì SV cứ trực tiếp gặp và trao đổi cùng GV để nắm rõ hơn nguyên lý làm việc của chi tiết trên hệ thống ( thiết bị ) máy. Từ đó làm cơ sở để ta đưa ra những yêu cầu kỹ thuật cho chi tiết, cũng như ta có thể đề xuất những thay đổi, cải tiến tính kết cấu, những thông số cho chi tiết. Đây là việc cần phải làm cho rõ, không hiểu một cách lập lững, có phân tích chính xác thì mới lập những phương án gia công đạt hiệu quả.
2. Tính khối lượng và dạng sản xuất:
Cần chia nhỏ chi tiết thành nhiều phần để dễ tính và mang tính gần đúng cao nhất, lưu ý là khi chia nhỏ chi tiết để tính cần đưa về những hình khối đơn giản, dễ tính vì nó dễ dẫn đến những kết quả sai khi ta cho ra dạng sản xuất. Sai 100 gram thì tong một dạng sản xuất. Mà sai cái nầy thì kéo theo bao điều rắc rối về sau đó.
3. Vật liệu và phương pháp chế tạo phôi:
Vật liệu thì cầm nắm chi tiết ( vật thật ) sẽ cảm nhận một phần do ta chỉ biết chung chung chứ không cụ thể ( do tính học thuật ở VN là học thì nhiều, hành thì ít nên chịu vậy ) thông thường thì kèm theo chi tiết sẽ có bản vẽ cung cấp cho SV biết vật liệu của chi tiết ( GX 32, CT45… đại loại là như thế ). Bạn phải nắm vững vật liệu ( bao gồm thành phần, tính chất về nhiệt để nhằm cho sai số khi gia công và trong chế tạo phôi ).
Với chi tiết thuộc mảng đúc ( như GX ) cần xem kỹ với những lỗ trục có kích thước bao nhiêu là đúc lỗ được, bao nhiêu là không. Vì sai khi xác định ở chỗ này bạn sẽ lập qui trình công nghệ sai đó !
Bên cạnh đó cũng xác định tính phân khuôn cho chi tiết không kém phần gay go, với chi tiết nào thì đặt nằm hay đứng, mặt phân khuôn hai nửa hay một hướng…. Chỗ đặt đậu hơi, tính độ co ngót, khuôn gì, máy gì …. tất tần tật liên quan nhau, bạn không lưu ý phần nầy mà chỉ lo tính công nghệ hay qui trình là toi đấy. Nhớ nhé !
4. Qui trình công nghệ:
Đây là cái trọng tâm nhất của đồ án, bạn phải tổng hợp được những số liệu trên rồi hãy nhìn đến nó. Hãy đưa ra nhiều phương án, những phương án phải có tính cụ thể và thực tiễn chứ không nên đưa ra những phương án chung chung, hay phương án phụ nhằm đẩy lên phương án chính mà bản thân đã chọn sẵn. Cái nầy SV nhà ta ưa làm lắm đây. Cụ thể đây, thường thì bạn đưa ra 3, hoặc 4 phương án trong đó bạn đã ngầm chọn phương án 3, thế là 2, hoặc 3 phương án còn lại được tạo ra một cách hời hợt, chung chung hoặc qua loa. Nếu bạn làm như thế là không khéo chết hết những phương án mà bạn đưa ra ( kể cả phương án bạn chọn ). Hãy trao đổi nhiều cùng GV hướng dẫn về vấn đề nầy, từ đó bạn sẽ ngộ ra nhiều QT hay hơn, cụ thể hơn. Nhớ nhé hãy trực tiếp cùng GV hướng dẫn.
Trong quá trình thiết kế QTCN bạn cần chú ý nhiều nhất về chuẩn ( bao gồm chuẩn tinh thống nhất, chuẩn phụ, chuẩn thô ) nếu xác định sai chuẩn thì bạn nên xếp sách lại mà làm lại từ đầu.
Thêm nữa, chốt trụ định vị mấy BTD, chốt trám, phiến tỳ, khối V ngắn và dài, cặp ngắn, cặp dài….. phải thuộc lòng, nắm vững.
Với phương pháp gia công nào đạt được Rz, Ra hay CCX bao nhiêu. Cần nhắc lại rằng đôi khi bản vẽ GV giao cho SV cũng cố tình làm sai đi một số yêu cầu Ra, Rz hoặc giả bản vẽ đó với vị trí đó Ra, Rz không phù hợp lắm cần điều chỉnh lại cho hợp lý. Cho nên tôi luôn lưu ý SV cần phân tích kỹ cấu tạo chi tiết là thế.
5. Dao và máy:
Cái nầy thì theo tôi không khuyến khích bạn nhớ làm chi cho mệt óc, đau sọ. Cứ tra sách, nhưng phải biết tra làm sao, tra như thế nào và tra ở đâu. Và nếu điều kiện cho phép (điều kiện đây là GVHD có tư tưởng thoáng ), bạn nên đưa những công nghệ gia công mới vào QT như đưa máy móc, công nghệ mới chẳng hạn. Hãy lấy chế độ cắt thực tế tại chỗ bạn lấy thông số máy và thông tin từ đó bạn sẽ tính toán lại những thông số cần thiết đi kèm.
Còn máy ?, hãy tìm những máy cụ thể mà bạn có điều kiện tiếp xúc, ưu tiên nhất là thiết bị máy ở xưởng trường nơi bạn đang học, đang thực hành. Còn không thì hãy đến những trung tâm, xưởng cơ khí gần nhà, hãy trình bày cho chủ tiệm họ sẽ sẵn lòng giúp bạn lấy thông số, dân trong nghề không ai phủi tay hay quay lưng với bạn đâu. Còn đối đế lắm hãy tra trong sách.
Tra sách thì thông thường là máy móc cũ thuộc những năm đời cũ của đời tàn, cho nên cần suy nghĩ thật kỹ khi bạn chọn máy từ sách, cần cập nhật máy đó còn trên thị trường không, nó thực sự hữu hiệu với nguyên công hay qui trình không. Nên chịu khó cập nhật những quyển sách về CNCTM mới nhất, trong những phần phụ lục hay rải rác đâu đó sẽ có những thông số cụ thể về máy cho bạn tra cứu tính toán. Hoặc xin mấy thầy cô trong khoa hay bộ mon những thông số nầy, họ sẽ cung cấp cho bạn.
6. Thiết kế đồ gá:
Cái nầy thì nhiều SV nhà ta cứ như mắc tóc với nó, có nơm nớp lo lắng, không biết như thế nào. Với tôi thì bạn hãy xem và xem nhiều sách vào, chúng nằm đâu đó trong những quyển sách, nhưng tốt nhất là bạn hãy xem chi tiết trong STCNCTM rồi từ đó kết hợp lại thành bộ đồ gá cho mình.
Với đồ gá bạn cần lưu ý những bạc dẫn hướng: tính chất mài mòn, tính chất thay nhanh. Bên cạnh đó cần lưu ý thêm lực kẹp nữa nghen cũng như tính thực tiễn và đại trà, tiện dụng của đồ gá.
Tóm lại khi thiết kế đồ gá trong ĐACNCTM bạn cần thiết kế sao cho đơn giản, tháo lắp nhanh, chính xác và tiện dụng là được, chứ đừng phức tạp, nhiêu khê quá nhiều chi tiết phụ làm cho dễ sai số hoặc mất thời gian tháo lắp.
7. Những quyển sách cần có khi làm đồ án:
Với riêng thiển ý của mình thì khi bắt tay vào làm đồ án CNCTM, SV cần có những quyển sách sau để tham khảo và làm hành trang về sau, sách bây giờ cũng khá rẻ rồi, hoặc lên Net tìm ebook có thể có.
1. ST CNCTM tập 1, 2, 3
2. Giáo trình CNCTM
3. Chế độ cắt gia công cơ khí của thầy Hồ Viết Bình – cô Nguyễn Ngọc Đào - thầy Trần Thế San. Nói thêm rằng, trong quyển nầy có những thông số cụ thể của nhiều máy được những thầy cô cập nhật. Rất cụ thể cho SV dùng tra cứu và tính toán chế độ cắt.
4. Thiết kế đúc của Nguyễn Xuân Bông
5. Atlat đồ gá của thầy Trần Văn Địch
6. Thiết kế ĐACNCTM của thầy Trần Văn Địch
7. Dung sai lắp ghép và đo lường KT của thầy Hoàng Xuân Nguyên
8. Vẽ kỹ thuật : đừng coi thường nó à, có nhiều lúc vẽ bạn sẽ quên nét vẽ, hình trích, mặt cắt, ren lỗ…hay một thứ gì đó cần thể hiện, hãy có bên cạnh để biết.
9. Dụng cụ cắt gọt – G.V Philipop
10. Hướng dẫn thiết kế ĐACNCTM của thầy Lê Trung Thực và thầy Đặng Văn Nghìn.
11. Chi tiết máy của thầy Nguyễn Trọng Hiệp đôi khi cần nó đấy, như bulong nè, đai ốc, đệm vênh….. vẽ và tính theo thông số chứ không vẽ bừa đâu nhé !
8. Những quyền trợ giúp:
- Ưu tiên một là trao đổi trực tiếp cùng giáo viên hướng dẫn: hãy chuẩn bị đầy đủ nhất ( theo bạn ) rồi hãy lên trao đổi cùng GV, đừng bao giờ không chuẩn bị gì mà lên hỏi GV, lúc đó bạn sẽ bị động ( không biết hỏi gì, làm gì và trả lời gì khi GV bắt bẻ hoặc gợi ý )
- Ưu tiên thứ 2 là trao đổi cùng bạn bè ( teamwork ): bạn đừng cho rằng bạn bè học cùng lớp đều chưa có kinh nghiệm thì đều không biết gì hết, đó là những quan niệm sai lầm và ấu trĩ. Nhiều cái đầu, nhiều suy nghĩ sẽ làm nên nhiều thứ đó. Hãy nhờ bạn bè góp ý, cùng thảo luận chắc chắn sẽ ra nhhững ý tưởng mới hơn của bạn ( có thể cái ý tưởng nầy cũng sẽ trớt quớt khi gặp GV HD phản biện hoặc cố tình bắt bẻ để gợi ý tiếp cho bạn, nhưng chắc chắn rằng bạn sẽ được đánh giá cao trong vấn đế ý thức nghiêm túc trong học tập và được điểm trong quá trình làm ĐA )
- Ưu tiên thứ 3: lên Net thảo luận để được giúp đỡ
Đây là cái phao thực sự hiện nay dành cho SV, do các diễn đàn ( như doantotnghiep.vn, huongdandoan.com chẳng hạn ) có rất nhiều thầy đang giảng dạy trực tiếp các trường ĐH, hay những giáo sư đầu ngành, những KS hoặc anh em làm thực tế sẽ giúp các bạn. Nhưng các bạn cần nhớ rằng các bạn phải chuẩn bị một phần những gì mình biết, trình bày rõ ràng, cụ thể để mọi người hiểu và giúp bạn nhanh hơn, không chung chung, không ngại hỏi.
Nhưng nói tóm lại là bạn phải tự thân vận động là trên hết, học để cho bản thân bạn, cho gia đình bạn chứ không cho ai cả. Hãy tự trang bị kiến thức cho mình bằng những bài học cụ thể không ỷ lại, trông chờ vào bất cứ một sự giúp đỡ nào trừ khi thật sự bạn bế tắc.
Hy vọng qua bài viết vài dòng ngắn này sẽ giúp ích phần nào cho các SV, những KS Công nghệ tương lai.
Chúc các bạn học tốt, hoàn thành ĐA một cách tốt nhất và thêm nhiều kiến thức cho bản thân sau khi hoàn thành ĐA của bản thân !
Bài viết hướng dẫn làm đồ án Công Nghệ Chế Tạo Máy
THÔNG TIN LIÊN HỆ
doantotnghiep.vn@gmail.com
Gửi thắc mắc yêu cầu qua mail094.640.2200
Hotline hỗ trợ thanh toán 24/24
Hỏi đáp, hướng dẫn